Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Ngay khi dịch COVID-19 bùng nổ, cổ phiếu của các công ty ngành dược đã tăng giá vùn vụt vì ngành dược được đánh giá là nhóm nhỏ các ngành được hưởng lợi do dịch bệnh – ít nhất trong ngắn hạn, nhờ nhu cầu gia tăng các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe và các thiết bị y tế.

nganh-duoc-pham-y-te-tang-truong-manh-nho-san-pham-chong-dich-covid-191

Theo phân tích báo cáo tài chính của các doanh nghiệp, lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước là do dịch Covid-19 bùng phát nên doanh nghiệp tập trung tăng cường sản xuất các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch.

Một góc nhìn về ngành dược Việt trong bối cảnh hiện nay

Đại dịch COVID-19 đã và đang tác động tiêu cực đến hầu hết các lĩnh vực kinh doanh nhưng các doanh nghiệp ngành dược Việt Nam vẫn ngược dòng thị trường, ghi nhận được những kết quả sản xuất – kinh doanh tích cực.

Nhìn chung, triển vọng thực hiện kế hoạch doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp dược năm 2020 đều hết sức khả quan, là một trong những điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp.

Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (doanh nghiệp dẫn đầu thị trường dược Việt Nam, chiếm 14% thị phần thuốc sản xuất trong nước, danh mục các sản phẩm chủ yếu bao gồm: thuốc giảm đau, hạ sốt, kháng sinh và vitamin) đặt kế hoạch năm 2020 tương đối thận trọng với doanh thu thuần hợp nhất là 3.866 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 720 tỷ đồng, chỉ ngang bằng so với năm 2019. Sở dĩ có sự thận trọng như vậy vì hoạt động sản xuất của Công ty đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 do có tới 80% nguyên liệu sản xuất thuốc phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, trong khi nguồn nguyên liệu dự trữ chỉ chiếm 13,8% giá trị sản xuất trong năm. Kết quả kinh doanh của Dược Hậu Giang tăng trưởng mạnh một phần nhờ nhu cầu tiêu thụ thuốc tăng, đặc biệt ở nhóm tăng sức đề kháng; đồng thời việc tổ chức lại hệ thống phân phối, tập trung vào các sản phẩm chiến lược đã giúp tổng doanh thu tăng gần 10% nhưng lợi nhuận tăng gần 30%, so với cùng kỳ.

Công ty cổ phần Traphaco (công ty đứng đầu Bảng xếp hạng Top 5 Công ty Đông Dược uy tín do Vietnam Report công bố) chủ động được nguồn cung dược liệu tại Việt Nam nên không chịu nhiều tác động bởi dịch bệnh COVID-19. Traphaco đã tận dụng lợi thế sản phẩm sẵn có của công ty phù hợp về tác dụng phòng chống dịch, và gói sản phẩm nước súc miệng TB, tăng sức đề kháng Antot Thymo và sau này là sản phẩm nước rửa tay, tạo nên bộ ba sản phẩm chống dịch được người tiêu dùng tín nhiệm vì có hiệu quả cao, giá thành hợp lý. Năm 2020, Công ty cổ phần Traphaco lên kế hoạch doanh thu 2.000 tỷ đồng (tăng 16,5%) và lợi nhuận sau thuế đạt 180 tỷ đồng (tăng 5,5% so với năm 2019).

Công ty cổ phần Imexpharm ít bị ảnh hưởng bởi nguồn cung khan hiếm hơn Dược Hậu Giang do nguồn nguyên liệu nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 50%. Imexpharm đặt mục tiêu doanh thu đạt 1.750 tỷ đồng, tăng 23% so với thực hiện năm 2019; lợi nhuận trước thuế đạt 260 tỷ đồng, tăng 28,4% so với năm 2019. Doanh thu tăng nhiều nhưng lợi nhuận tăng nhiều hơn là do việc đẩy mạnh bán hàng vào kênh ETC (Ethical drugs – các loại thuốc bán theo đơn bác sĩ và đấu thầu tại bệnh viện) đã góp phần tiết kiệm được đáng kể chi phí bán hàng. Tuy nhiên, dịch COVID-19 được dự báo sẽ làm chậm kế hoạch phát triển các nhà máy của Imexpharm.

Năm 2020, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu y tế Domesco đặt mục tiêu kế hoạch khá thận trọng với doanh thu thuần ở mức 1.468 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 233 tỷ đồng, lần lượt giảm 2,6% và 1,1% so với thực hiện năm 2019 bởi Domesco nằm trong số những doanh nghiệp chịu nhiều tác động bởi sự gián đoạn nguyên liệu nhập khẩu do dịch COVID-19. Triển vọng phát triển dài hạn của Domesco được đánh giá là khả quan do mối quan hệ hợp tác với cổ đông chiến lược là Tập đoàn Abbott – Tập đoàn chăm sóc sức khỏe hàng đầu thế giới, chuyên nghiên cứu, phát triển, sản xuất và đưa ra các sản phẩm và dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng cao trong lĩnh vực dinh dưỡng, dược phẩm, thiết bị chẩn đoán và điều trị.

Tổng công ty cổ phần y tế Danameco (DNM) cũng báo lãi cao nhất trong vòng sáu năm qua nhờ tập trung toàn lực đầu tư cho dây chuyền sản xuất các thiết bị y tế có nhu cầu cao trong mùa dịch, gồm khẩu trang y tế và trang phục chống dịch.

Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, không phải doanh nghiệp ngành dược và vật tư y tế nào cũng được hưởng lợi mà tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp dược tương đối phân hóa trong Đại dịch COVID-19. Bên cạnh những ngành dược lãi lớn, tăng trưởng mạnh, ngành dược cũng ghi nhận nhiều ngành dược bị sụt giảm lợi nhuận, trong đó có DN ghi nhận lỗ do ảnh hưởng của dịch bệnh. Thách thức lớn nhất đối với hoạt động sản xuất – kinh doanh và sự phát triển của doanh nghiệp ngành dược Việt Nam là nhu cầu cho nguyên liệu sản xuất dược phẩm ở Việt Nam phụ thuộc từ 80 – 90% vào nguồn nhập khẩu, trong đó, nguồn cung từ Trung Quốc và Ấn Độ chiếm tới hơn 80%. Đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều nhà máy sản xuất API (nguyên liệu sản xuất dược phẩm) tại 2 quốc gia này phải ngừng hoạt động hoặc hạn chế xuất khẩu. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu và phát triển các loại thuốc bằng sáng chế còn hạn chế và ngành dược Việt chỉ có thể sản xuất thuốc gốc. Tuy nhiên, dù nguồn cung nguyên liệu, việc chuyển giao công nghệ sản xuất, hợp tác với các đối tác nước ngoài bị gián đoạn bởi dịch bệnh COVID-19, dư địa tăng trưởng của ngành dược Việt Nam vẫn còn rất lớn. Dự báo của Hãng nghiên cứu thị trường BMI cho thấy, doanh thu thị trường dược phẩm Việt Nam sẽ đạt 7,7 tỷ USD vào năm 2021 và 16,1 tỷ USD năm 2026 với tốc độ tăng trưởng khoảng 10,6%/năm.

Doanh thu tăng đột biến

Báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2020 của Tổng công ty cổ phần Y tế Danameco (DNM) cho biết hãng dược phẩm này ghi nhận tăng trưởng mạnh cả về doanh thu và lợi nhuận trong giai đoạn đầu năm nay.
Cụ thể, 3 tháng đầu năm, Danameco ghi nhận 127,5 tỷ đồng doanh thu thuần, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2019. Do tăng sản lượng nên chi phí bán hàng cũng tăng gấp đôi, lên 4,5 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ hơn với gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, giá vốn hàng bán cũng chiếm tới hơn 80% doanh thu thuần.

Tuy nhiên, nhờ doanh thu tăng mạnh nên lợi nhuận gộp từ hoạt động bán hàng thu về tăng 2,4 lần, đạt hơn 24 tỷ đồng.

Hãng vật tư y tế này ghi nhận khoản lợi nhuận trước thuế tăng gần 8 lần, đạt trên 10 tỷ đồng. Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, lãi ròng thu về trong 3 tháng đầu năm là 8,2 tỷ đồng, tăng 651% so với cùng kỳ. Số lợi nhuận riêng quý vừa qua của Danameco cũng đã xấp xỉ lợi nhuận trong cả năm 2019.

Tương tự, báo cáo kết quả kinh doanh quý I của CTCP Dược Hậu Giang (DHG) ghi nhận 858 tỷ đồng doanh thu, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng giống như Danameco, do gia tăng về sản lượng sản xuất thuốc nên chi phí của Dược Hậu Giang cũng tăng. Tuy nhiên, nhờ biên lãi gộp chung tăng từ 44% lên 49%, nên đã mang về 423 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tăng 26%.

Theo đó, hãng dược phẩm này vẫn thu về khoản lợi nhuận trước thuế là 197 tỷ đồng, tăng 29%. Lợi nhuận sau khi trừ thuế thu nhập là 177 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ. Đây cũng là con số lợi nhuận ròng quý I cao nhất kể từ khi cổ phiếu DHG niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2006. Cùng với đó, Dược Hậu Giang đã hoàn thành 22% chỉ tiêu doanh thu và 27% lợi nhuận cả năm 2020.

Lý giải cho doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh trong quý I/2020, Dược Hậu Giang cho biết do trong kỳ, công ty đã tổ chức chặt chẽ hệ thống phân phối và kết nối với khách hàng tốt. Tập trung bán các sản phẩm chiến lược và chủ lực của công ty; Triển khai tốt dự án tăng năng suất và hiệu quả sản xuất giúp tiết kiệm chi phí; Nhu cầu tiêu thụ thuốc tăng cao trong tình hình dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là các sản phẩm tăng sức đề kháng.

Một số doanh nghiệp dược phẩm khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận quý I/2020 tăng như: Dược phẩm Imexpharm tăng 11%, đạt 304 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 13%, đạt 41 tỷ đồng; Dược phẩm Hà Tây ghi nhận doanh thu 519 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ, tương đương 100 tỷ đồng; lãi trước thuế hơn 40 tỷ đồng, tăng 29%.

nganh-duoc-pham-y-te-tang-truong-manh-nho-san-pham-chong-dich-covid-192

Nhu cầu còn rất lớn

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay dịch bệnh tại Việt Nam đã được kiểm soát, trong vòng một tuần trở lại đây không phát hiện ca dương tính với virus Covid-19. Tuy nhiên, tại các nước trên thế giới, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, nhu cầu mua khẩu trang y tế, các loại thuốc và sản phẩm chữa bệnh còn cao. Đặc biệt là nhu cầu nhập khẩu khẩu trang y tế của các nước như Mỹ, Tây Ban Nha, Canada, Nga… rất lớn.

“Đây là thời điểm vàng để các doanh nghiệp dược phẩm đẩy mạnh sản xuất, gia tăng doanh thu và lợi nhuận. Nếu các sản phẩm được các nước đánh giá tốt, sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường”, một chuyên gia đánh giá.

Thống kê cho thấy, hiện thị trường Mỹ có nhu cầu nhập khẩu khoảng 500 triệu khẩu trang N95, 200 triệu khẩu trang các loại, 1.000 máy trợ thở, 1 tỷ găng tay, 100 triệu bộ áo choàng y tế, 50 triệu bộ áo bảo hộ phòng dịch… từ Việt Nam.

Từ giữa tháng 2 đến nay, Danameco cũng đã tăng ca để sản xuất khẩu trang y tế. Mới đây, doanh nghiệp này đầu tư thêm 6 dây chuyền sản xuất khẩu trang do nhu cầu cấp bách về trang thiết bị vật tư y tế phòng chống dịch.

Một doanh nghiệp xuất khẩu y tế cho biết đối tác lớn từ Mỹ đang đặt hàng công ty mua 400 triệu chiếc. Một số đối tác đặt hàng khẩu trang vải và đã ký hợp đồng. Tuy nhiên, do khẩu trang vải là mặt hàng mới nên mới đây, công ty đã nhập máy móc về sản xuất, vì vậy cũng không dám nhận nhiều đơn hàng.

“Riêng lô hàng khẩu trang y tế, hiện nay công ty đã ký với một số đối tác có giá trị lên đến 42 triệu USD. Cùng với lô hàng là 6 triệu khẩu trang vải y tế. Tổng số các lô hàng này có thể mang lại 30% doanh thu cho công ty trong năm 2020”, đại diện doanh nghiệp này cho hay.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp dược phẩm cho biết, hiện nay, các đối tác nước ngoài đặt nhiều khẩu trang vải, khẩu trang y tế và bộ đồ phòng dịch. Tuy nhiên, hiện Chính phủ chưa có hướng dẫn xuất khẩu và trong nước chưa có phòng thí nghiệm kiểm tra tiêu chuẩn CE (tiêu chuẩn hàng hoá của EU) nên doanh nghiệp nội sẽ khó phát triển dòng sản phẩm này.

Đề xuất chiến lược thích ứng và phát triển cho doanh nghiệp ngành dược Việt

Động thái mới nhất của công ty lớn ngành dược dự báo thị trường sẽ có sự phân hóa sâu sắc và cuộc cạnh tranh bám đuổi giữa các công ty này sẽ ngày một quyết liệt hơn đòi hỏi các doanh nghiệp ngành dược Việt phải có chiến lược thích ứng với trạng thái bình thường mới và chuẩn bị cho sự phát triển tiếp theo.

Do mức độ và chiều hướng tác động của Đại dịch COVID 19 lên các doanh nghiệp ngành dược có sự khác nhau nên sẽ không có một công thức chung về chiến lược thích ứng cho tất cả các doanh nghiệp. Theo các chuyên gia, về tổng thể, các doanh nghiệp nên xây dựng chiến lược thích ứng và phát triển trong trạng thái bình thường mới theo ba nhóm giải pháp.

Nhóm giải pháp thứ nhất bao gồm việc tập trung xử lý các vấn đề cấp thiết và quản lý thanh khoản. Doanh nghiệp có thể thành lập Ban chỉ đạo/Tổ công tác để tập trung giải quyết các vấn đề phát sinh về nguồn cung ứng, nguyên liệu sản xuất. Quản lý thanh khoản yêu cầu các doanh nghiệp phải cân đối dòng tiền, cắt giảm các khoản chi tiêu chưa cần thiết và theo dõi chặt chẽ công nợ. Các kế hoạch mua sắm tài sản có thể xem xét gác lại và lựa chọn các giải pháp thay thế như đi thuê tài sản, thuê mua tài chính để duy trì lượng tiền mặt dự phòng đủ lớn.

Nhóm giải pháp thứ hai hướng đến tăng doanh thu và lợi nhuận thông qua việc rà soát và đưa ra các giải pháp có thể thực hiện ngay để tăng dòng tiền và tăng hiệu quả hoạt động. Các giải pháp có thể bao gồm cơ cấu sản phẩm, cơ cấu khách hàng, và chính sách giá; rà soát lại công tác mua sắm và chi phí chuỗi cung ứng, tối ưu thuế và tối ưu vốn lưu động.

Tuy nhiên, ở đây cần lưu ý là việc cắt giảm các khoản đầu tư thường không tạo ra các động lực tăng trưởng và phát triển trong dài hạn, thậm chí có thể tác động tiêu cực đến khả năng tăng trưởng và phát triển trong tương lai.

Ở nhóm giải pháp thứ ba, doanh nghiệp cần tập trung vào chiến lược tái định vị, bao gồm cải tổ mô hình kinh doanh, xem xét lại mô hình tăng trưởng, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, và cải tổ phương thức phản hồi, nhằm tương tác tốt và hiệu quả hơn với hành vi và nhu cầu khách hàng. Đây chính là nội dung cốt lõi của chiến lược thích ứng và phát triển trong trạng thái bình thường mới.

Các nhóm giải pháp này có thể thực hiện đơn lẻ hoặc kết hợp, hoặc được sắp xếp ưu tiên thực hiện tùy vào tình hình thực tế và khả năng từ các nguồn lực của từng doanh nghiệp.

Cần phải thấy trước khả năng sẽ có sự hoán đổi vị trí các doanh nghiệp ngành dược, mặc dù có thể không nhanh chóng do tác động của xu hướng đầu tư vào ngành. Các doanh nghiệp dược có bảng cân đối tài sản vững mạnh, đội ngũ quản lý tốt, sẽ có thể có cơ hội để bứt phá và dẫn dắt thị trường. Các doanh nghiệp dược được quản lý quá cứng nhắc có thể phải nhường cơ hội kinh doanh cho những doanh nghiệp có khả năng thích ứng nhanh, linh hoạt và năng động trong thay đổi định hướng kinh doanh và chiến lược.

Nguồn tổng hợp

Tại KONVOI – Chúng tôi tư vấn cho bạn dựa vào những con số và thực tiễn, đồng thời đưa ra các phương án chiến lược đã được chứng minh. Hiểu thị trường và hành vi khách hàng cũng như insight của ngành hàng sẽ giúp bạn chiến thắng trước những bài toán khó khăn. Chúng ta cùng nhau làm việc để doanh nghiệp của bạn Bán Nhiều Hàng & Tăng Lợi Nhuận với một vị thế bán hàng độc tôn tại thị trường FMCG.

KONVOI.VN – Chuyên gia lĩnh vực phân phối bán lẻ

Phone: 028 3937 1800

Email: contact@konvoi.vn

Địa chỉ: 159 Điện Biên Phủ, Phường 15, Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.

Bài viết liên quan:

Bài viết mới nhất

Tài liệu và báo cáo mới nhất

Giải pháp nâng cao doanh số

Chúng tôi giúp bạn tiết kiệm nguồn lực doanh nghiệp,
mang lại lợi thế cạnh tranh tốt hơn.

Câu chuyện thành công

Bán hàng là điều quyết định thành công của doanh nghiệp.
Hãy xem chúng tôi đã làm như thế nào.

Bạn có câu hỏi?

Hãy để chúng tôi giúp bạn.

Cơ hội làm việc

Hãy cùng chúng tôi tạo ra khác biệt.

LIÊN HỆ CHÚNG TÔI

  • 159 Điện Biên Phủ, Phường 15, Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh
  • Phone: (+8428).3937.1800
  • Email: seth.tran@3re.vn

ĐĂNG KÝ BẢN TIN

Copyright © 2021 by Konvoi.vn

We decided the new definition for KONVOITECH

RETAIL

REDISTRIBUTE

REVOLUTION